Người Hy Lạp cơ cực với trợ cấp, lương hưu | |
Maria Nikolaidou đang chào đón tuổi 40 trong cảnh thất nghiệp, sống phụ thuộc vào khoản lương hưu mỗi tháng 800 euro của bà mẹ 74 tuổi. 'Đã quá muộn để xin việc ở tuổi này', Maria chia sẻ với The Guardian khi Chính phủ Hy Lạp sắp bước vào cuộc đàm phán với các chủ nợ, những người muốn Thủ tướng Tsipras cắt giảm quỹ lương hưu và trợ cấp cho những người như cô. Người Hy Lạp phản đối việc thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn muốn ở lại khu vực đồng tiền chung. Ảnh: Reuters Điều gì sẽ xảy ra với khủng hoảng nợ Hy Lạp ? I. Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được thỏa thuận: Hy Lạp vỡ nợ. ECB tiếp tục bơm vốn cho các ngân hàng và sẽ nắm quyền kiểm soát. Hy lạp sẽ rời khỏi eurozone. II: Hy Lạp đồng ý với các chủ nợ vào phút chót về việc tái cấu trúc. Nước này sẽ ở lại eurozone. III: Các bên không đạt được thỏa thuận nhưng sẽ nhượng bộ lẫn nhau. Hy Lạp tạm thời ở lại eurozone. Tương tự Maria, tình hình cũng không mấy sáng sủa với Pagona Koutouraki, một giáo viên cấp 2 về hưu sống tại Athens. Thu nhập của bà đã giảm gần một nửa (1.700 euro xuống còn 1.000) từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra và chính phủ bắt đầu chính sách 'thắt lưng buộc bụng'. 'Nếu những đề nghị của chủ nợ được chấp nhận, thu nhập của tôi sẽ giảm xuống mức 800 euro', bà than thở, dù cho biết vẫn còn cơ hội kiếm thêm đôi chút nhờ việc cho thuê nhà và bán tranh ảnh. Sau đợt rút tiền ồ ạt hơn 4 tỷ euro vào tuần tước và trước khả năng không thể thanh toán khoản 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào này 5/6, viễn cảnh Hy Lạp bị đẩy khỏi khối dùng đồng tiền chung ngày càng rõ rệt hơn. Điều đó khiến những người như Maria hay Pagona lo sợ. Theo Euronews, sáng nay, dòng tiền vẫn tiếp tục ào ạt chảy khỏi hệ thông ngân hàng Hy Lạp trong khi cuộc đàm phán bắt đầu tại Brussels. 'Mọi người đang đến ngân hàng để rút tiền', Yannis Nikolopoulos - một người dân cho biết. Lý do được anh này nêu ra là người tiêu dùng lo ngại các ngân hàng sẽ đóng cửa, khiến họ không thể mua sắm. Những khoản tiền từ 500 tới 1000 euro đã được rút ra để chuẩn bị cho 10-15 ngày sắp tới. Lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Hy Lạp từ năm 2009 đến nay. Nguồn: Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Tuy vậy, ghi nhận của báo chí châu Âu cho thấy đa phần người dân Hy Lạp vẫn mong muốn ở lại khối đồng tiền chung. Thứ 6 vừa rồi, Pagona Koutouraki cùng nhiều người khác đã tham gia tuần hành với khẩu hiệu 'Chúng ta sẽ ở lại châu Âu'. Trước những bất ổn chính trị tại vùng Ban-căng và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, nhưng người dân như bà cho rằng việc gắn bó với eurozone sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn. Theo một khảo sát của tờ Avgi cuối tuần qua, 62% người dân Hy Lạp tin rằng cuộc sống của họ sẽ tồi tệ hơn nếu đất nước này trở lại dùng đồng Drachma, so với 22% tin rằng họ sẽ có nhiều lợi ích hơn. 16% chưa đưa ra bình luận gì. Điều này dự báo Chính phủ Hy Lạp có thể gặp ít khó khăn hơn khi thuyết phục người dân chấp nhận những phương án thắt lưng buộc bụng, trong trường hợp họ chịu nhượng bộ các chủ nợ là Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Những điểm gây tranh cãi chính trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp: - Hy Lạp không đồng ý cắt giảm lương hưu và lương cho khu vực công, với lý do hai phần ba khu vực hưu trí đang sống gần hoặc dưới ngưỡng nghèo. - Các chủ nợ cho rằng việc cắt giảm quỹ lương hướng tới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thay vì giảm lương của mỗi cá nhân. - Các tổ chức này muốn Hy Lạp giảm quỹ lương thêm 1% GDP (còn khoảng 16% GDP), trong khi nước này cho rằng tỷ lệ như vậy là quá cao, bởi tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế đã thu hẹp đáng kể. - Các quan chức EU muốn Hy Lạp đồng ý đặt mục tiêu thặng dư ngân sách 1% GDP trong năm nay, 2% cho 2016 và 3,5% cho 2018. Hy Lạp lại đặt điều kiện phải nhận được hỗ trợ trước khi đồng ý những điều kiện này. - Chủ nợ muốn mở rộng diện thu VAT, trong khi Hy Lạp không muốn áp thêm thuế đối với các mặt hàng dược và năng lượng. - Hy Lạp cho rằng chủ nợ chỉ muốn tăng thuế, trong khi IMF lại phàn nàn rằng Athens đã không có những cải cách thích đáng. |